[HỎI - ĐÁP] Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho một bên hay không? Hành vi bạo lực gia đình xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác bị xử phạt như thế nào?

13/01/2021 - 1266 lượt xem

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho một bên hay không? Hành vi bạo lực gia đình xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác bị xử phạt như thế nào?

Trong cuộc sống hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, không chỉ là do tình cảm giữa vợ và chồng, mà còn có thể có những nguyên nhân khác. Vậy ngoài chồng hoặc vợ yêu cầu ly hôn thì còn có ai khác được quyền yêu cầu ly hôn hay không?

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Giải đáp:

Ly hôn là gì ?

Khoản 14, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”

Vậy ai có quyền yêu cầu ly hôn?

Căn cứ Điều 51, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn;

2.Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Từ quy định trên ta thấy có chủ thể có thể yêu cầu ly hôn gồm:

- Thứ nhất, Vợ hoặc chồng đơn phương yêu cầu ly hôn. Hoặc cả hai vợ chồng thuận tình yêu cầu ly hôn.

Tuy nhiên, một trong các nguyên tắc bắt buộc tuân thủ trong quá trình áp dụng và thi hành pháp luật về Hôn nhân Gia đình, theo đó tại Khoản 4, Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, Luật Hôn nhân gia đình 2014:

“1. [...]

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.”

Thì quyền ly hôn đối với người nam bị hạn chế trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Khoản 3, Điều 51, Luật HNGĐ 2014). Trường hợp này chỉ áp dụng với người chồng mà không áp dụng với người vợ. Dù người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy tình cảm yêu thương giữa vợ chồng đã hết, mâu thuẫn gia đình đến mức sâu sắc, mục đích của hôn nhân không đạt được, nếu duy trì sẽ bất lợi cho người vợ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người vợ hoặc thai nhi hay trẻ sơ sinh mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung.

- Thứ hai, người được yêu cầu ly hôn là cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp đặc biệt này áp dụng khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

 

Hỏi: Con gái tôi và con rể tôi kết hôn năm 2016. Đến năm 2020 thì con rể tôi bắt đầu sinh tật, thường xuyên đánh con gái tôi và cháu tôi. Tôi nhiều lần can ngăn, mặc dù mỗi lần như vậy con rể tôi đều xin lỗi và tỏ ra hối lỗi nhưng những lần sau đó con gái tôi vẫn bị đánh. Tôi nói con gái tôi ly hôn, nhưng nó vẫn sợ bị dị nghị, và tội nghiệp con không có cha nên chưa chịu ly hôn. Là mẹ, tôi nhìn thấy cảnh đó thật sự rất xót xa. Vậy tôi có thể tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái tôi được không? Xin các luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi chân thành cảm ơn.

Đáp: Căn cứ Khoản 2, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.

Xét về mặt chủ thể: Thì ông/bà là cha/mẹ của cô gái bị chồng đánh đập, theo luật định ông/bà là một trong những chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn.

Xét điều kiện để thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn: Theo đó, con gái của ông/bà đang là nạn nhân của bạo lực gia đình do con rể có hành vi hành hung, đánh đập con gái của ông/bà, hành vi này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của con gái bạn. Tuy nhiên, con gái của ông/bà không phải là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Vì vậy, chỉ có một trong hai bên vợ/chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định.

Tuy nhiên, ông/bà có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để xử lý hành vi của con rể ông bà, cụ thể:

Xử lý hành chính khi chưa đến mức xử lý hình sự:

Căn cứ, Khoản 1, Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống Bạo lực Gia đình 2007:

“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, mức xử phạt được quy định tại Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình.

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

Xử lý Hình sự:

Căn cứ vào hành vi và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội có thể bị xử lý hình sự một trong hai tội danh sau:

Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017):

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình, Điều 185, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017):

Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”

 

Cần lưu ý: Trường hợp tội cố ý gây thương tích thì người có hành vi phạm tội tại Khoản 1, Điều 134, BLHS 2015 sđbs 2017 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của người bị hại (Khoản 1, Điều 155, Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

Trên đây là nội dung giải đáp của chúng tôi trong phạm vi thông tin mà bạn cung cấp.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09.7117.4040

 

HT LEGAL VN