PHẠT CHẬM THANH TOÁN VÀ TIỀN LÃI DO CHẬM THANH TOÁN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

28/07/2023 - 2625 lượt xem

Nhiều hợp đồng mua bán quy định rằng: “Trường hợp bên mua không thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hàng, thì bên mua sẽ bị phạt vi phạm với mức phạt là 02%/tháng”. Điều khoản này có thể bị nhầm lẫn là điều khoản phạt chậm thanh toán hoặc tiền lãi do chậm thanh toán và có thể gây khó khăn khi phát sinh tranh chấp.

Nhiều hợp đồng mua bán quy định rằng: “Trường hợp bên mua không thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hàng, thì bên mua sẽ bị phạt vi phạm với mức phạt là 02%/tháng. Điều khoản này có thể bị nhầm lẫn là điều khoản phạt chậm thanh toán hoặc tiền lãi do chậm thanh toán và có thể gây khó khăn khi phát sinh tranh chấp.

Do đó, HT Legal VN mong muốn được chia sẻ bài viết này để Quý khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp lưu ý khi soạn thảo điều khoản liên quan đến chế tài xử lý khi đối tác chậm thanh toán.

I. Cơ sở pháp lý:

- Luật Thương mại năm 2005;

- Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

II. Nội dung:

1. Phạt chậm thanh toán là gì?

Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.” Hành vi chậm thanh toán là hành vi vi phạm hợp đồng, cho nên, một bên có thể áp dụng quy định phạt vi phạm đối với trường hợp bên kia chậm thanh toán.

Do đó, phạt chậm thanh toán có thể hiểu là khoản phạt vi phạm khi một bên chậm thanh toán khi đến hạn đối với bên còn lại. Theo điều 301 Luật Thương mại năm 2005, mức tối đa của phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

2. Tiền lãi do chậm thanh toán là gì?

Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Như vậy, pháp luật cho phép bên bị vi phạm vấn đề thanh toán được quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi.

Theo quy định pháp luật nói trên, tiền lãi do chậm thanh toán được áp dụng với tiền hàng, thù lao dịch vụ và các chị phí hợp lý khác bị chậm thanh toán. Theo Án lệ số 09/2016/AL thì tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại sẽ không phải chịu lãi ngay cả khi Bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền này.

Theo Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, mức lãi suất được áp dụng đối với số tiền chậm thanh toán là lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm).

3. Có thể áp dụng đồng thời phạt chậm thanh toán và tiền lãi do chậm thanh toán hay không?

Như đã phân tích ở trên, phạt chậm thanh toán và tiền lãi do chậm thanh toán là hai quy định khác nhau trong hợp đồng. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng, pháp luật có chấp thuận áp dụng cả hai quy định này hay không khi bên bị vi phạm phải thực hiện hai lần nghĩa vụ (tiền) cho một hành vi vi phạm? Câu trả lời hiện tại vẫn tùy thuộc vào quan điểm của người xử lý, giải quyết tranh chấp.

Một số quan điểm cho rằng Điều 12 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP đã quy định rất rõ nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn” nên chỉ được quyền áp dụng một trong hai chứ không thể cả hai. Nhưng một số quan điểm khác xem xét việc áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và quyền yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ là không mâu thuẫn và hoàn toàn phù hợp theo quy định pháp luật bởi các lý do sau:

(i) Pháp luật thương mại không giới hạn hành vi vi phạm được áp dụng chế tài phạt vi phạm. Cũng như, quy định về tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là một chế định hoàn toàn độc lập giúp bên bị vi phạm có thể bù đắp phần nào lợi ích mà bên bị vi phạm có thể nhận được nếu không có hành vi vi phạm của bên kia.

(ii) Việc áp dụng cả hai quy định nêu trên không giúp bên bị vi phạm nhận được hai lần khoản tiền tương đương, vì mức phạt vi phạm tối đa thường chỉ là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, và được ấn định vào thời điểm thoả thuận hoặc vào thời điểm giải quyết tranh chấp; còn tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, mặc dù cũng mang tính chất xác định trước nhưng sẽ phụ thuộc vào thời gian vi phạm và lãi suất áp dụng vào thời điểm thanh toán.

(iii) Chế tài phạt vi phạm sẽ chỉ được áp dụng một lần đối với hành vi vi phạm, trong khi đó tiền lãi do chậm thanh toán sẽ được áp dụng tương ứng với thời gian vi phạm và chỉ chấm dứt khi bên vi phạm hoàn tất nghĩa vụ thanh toán.

(iv)  Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại đều không quy định mối quan hệ giữa hai chế định này, như vậy, về nguyên tắc thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu phạt vi phạm đồng thời áp dụng quy định liên quan đến lãi chậm trả cho cùng một hành vi vi phạm.

(v) Điều 12, Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP đề cập đến việc xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản, chứ không phải áp dụng cho hợp đồng kinh doanh thương mại nói chung, nên nếu không phải hợp đồng vay tài sản thì không bị ràng buộc bởi quy định tại Điều 12, Nghị quyết 01/2019.  

Do đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng đồng thời quy định về phạt chậm thanh toán và tiền lãi do chậm thanh toán.

4. Lưu ý khi soạn điều khoản liên quan đến chế tài xử lý khi chậm thanh toán

Như đã nêu tại tựa đề, nhiều hợp đồng mua bán quy định rằng: “Trường hợp bên mua không thanh toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hàng, thì bên mua sẽ bị phạt vi phạm với mức phạt là 02%/tháng”. Vấn đề phát sinh với điều khoản này là không phân định được đây là điều khoản phạt chậm thanh toán hay tiền lãi do chậm thanh toán nên dẫn đến việc cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét lại điều khoản, gây ảnh hưởng đến quyền lợi cho bên bị vi phạm.

Có hai trường hợp điều khoản này được xem xét như sau:

Trường hợp 01: Điều khoản được xem là phạt vi phạm, theo đó, tỷ lệ phạt vi phạm là 02%. Bên bị vi phạm vẫn có thể yêu cầu tính lãi do chậm thanh toán mà không cần thỏa thuận trước tại hợp đồng.

Trường hợp 02: Điều khoản được xem là tiền lãi do chậm thanh toán và không xét đến phạt vi phạm vì cho rằng chế tài này không được các bên quy định trong hợp đồng. Việc không xem xét này là phạt vi phạm rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị vi phạm nếu như mục đích các bên đề cập quy định này trong hợp đồng, là nhằm phạt vi phạm Mức lãi suất có thể được điều chỉnh với mức trần là lãi suất trung bình của 03 ngân hàng.

Như vậy, mặc dù pháp luật không quy định rõ ràng nhưng theo quan điểm của công ty luật chế tài phạt vi phạm và chế định về lãi chậm thanh toán được áp dụng và xác định cho hành vi vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán, trong trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm đối với hành vi này. Tuy nhiên, để tránh trường hợp chỉ được áp dụng mức phạt vi phạm ở mức khá thấp, hoặc thậm chí không được xem xét như đã đề cập nêu trên, thì doanh nghiệp cần quy định rõ ràng, chính xác thoả thuận phạt vi phạm trong hợp đồng, trong đó xác định loại nghĩa vụ vi phạm và mức phạt.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp trong hệ thống tư vấn pháp lý doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển an toàn trong thời đại kinh tế thị trường. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com     Hotline: 09 6161 4040 – 09 0161 4040

Như Quỳnh
Theo HT LEGAL VN