CÁC LOẠI PHÍ, CHI PHÍ ĐỂ HỌC & HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

22/05/2023 - 1694 lượt xem

Nghề luật sư luôn được xã hội vinh danh bởi tư cách đạo đức và giá trị họ góp phần cho xã hội, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, đổi lại nghề luật sư còn đòi hỏi phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Trong đó, “phí” hành nghề luật sư cũng là điều kiện thực tế để hành nghề.

Nghề luật sư luôn được xã hội vinh danh bởi tư cách đạo đức và giá trị họ góp phần cho xã hội, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, đổi lại nghề luật sư còn đòi hỏi phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Trong đó, “phí” hành nghề luật sư cũng là điều kiện thực tế để hành nghề. Sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ cùng các bạn tìm hiểu xem luật sư phải chịu những “phí” gì nhé?

Cơ sở pháp lý và văn bản liên quan:

- Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012;

- Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ quy định về mức phí và các trường hợp miễn, giảm phí thành viên.

- Thông báo: 243/TB-BCNĐLS thông báo về việc quy định mức phí đăng ký tập sự hành nghề luật sư và phí gia nhập Đoàn luật sư;

- Nội quy Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh;

- Nghị quyết 01/2016/NQ-HNĐBLS về mức phí đăng ký tập sự hành nghề luật sư và mức phí gia nhập Đoàn Luật sư;

- Văn bản số 01/2021/HD-BCN hướng dẫn thủ tục đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai;

- Văn bản số 02/2021/HD-BCN hướng dẫn thủ tục đăng ký gia nhập Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai;

- Thông báo số 166/TB-HVTP về việc tuyển sinh lớp đào tạo nghề luật sư khóa 25 lần 1 tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;

- Quyết định số 1706/QĐ-HVTP quy định mức thu học phí đối với các Chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội của Học viện Tư pháp mở tại trụ tại sở tại Hà Nội và Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

1. Những điều kiện cơ bản để hành nghề luật sư

Căn cứ theo Điều 10 và Điều 11 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định điều kiện để hành nghề luật sư là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư. Bên cạnh đó luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

2. Các loại phí phải trả khi học nghề và trở thành Luật sư

2.1. Phí đào tạo nghề Luật sư

a) Phí dịch vụ xét tuyển

Thí sinh đăng ký tham dự lớp học đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì phải nộp phí dịch vụ xét tuyển là 200.000 đồng theo Mục 5.1 Thông báo số 166/TB-HVTP.

b) Học phí đối với Chương trình đào tạo nghề luật sư

- Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1706/QĐ-HVTP quy định về mức thu học phí đối với Chương trình đào tạo nghề luật sư:

+ Đối với các tổ chức vào buổi tối các ngày trong tuần và thứ bảy, chủ nhật: 25.190.000 đồng/học viên/khóa học

+ Đối với các khóa học tổ chức vào giờ hành chính: 20.150.000 đồng/học viên/khóa học

- Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 1 Quyết định này quy định về mức thu học phí đối với Chương trình đào tạo nghề luật sư phục vụ hội nhập quốc tế:

+ Đối với các tổ chức vào buổi tối các ngày trong tuần và thứ bảy, chủ nhật: 45.940.000 đồng/học viên/khóa học

+ Đối với các khóa học tổ chức vào giờ hành chính: 36.770.000 đồng/học viên/khóa học

- Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 1 Quyết định này quy định về mức thu học phí đối với Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao:

 + Đối với các tổ chức vào buổi tối các ngày trong tuần và thứ bảy, chủ nhật: 29.950.000 đồng/học viên/khóa học

+ Đối với các khóa học tổ chức vào giờ hành chính: 23.960.000 đồng/học viên/khóa học

- Căn cứ theo điểm g khoản 1 Điều 1 Quyết định này quy định về mức thu học phí đối với Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư:

+ Đối với các tổ chức vào buổi tối các ngày trong tuần và thứ bảy, chủ nhật: 37.790.000 đồng/học viên/khóa học

+ Đối với các khóa học tổ chức vào giờ hành chính: 30.240.000 đồng/học viên/khóa học

Lưu ý: Mức học phí trên chỉ thuộc chương trình đào tạo nghề Luật sư. Chương trình đào tạo nghề Công chứng, nghề Đấu giá, nghề Thừa phát lại sẽ có mức học phí trong cùng quyết định này.

c) Chính sách ưu đãi, miễn giảm học phí và điều kiện áp dụng:

Được quy định tại Điều 2 Quyết định số 1706/QĐ-HVTP.

2.2. Phí tập sự hành nghề luật sư

Các Đoàn Luật sự khi tổ chức tập sự hành nghề luật sư sẽ thu mức phí khác nhau nhưng không được vượt quá 5.000.000 đồng/người căn cứ tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ. Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư Hà Nội thu mức phí thực tập hành nghề luật sư là 2.000.000 đồng/người (Theo Điều 2 Nghị quyết 01/2016/NQ-HNĐBLS và Mục 1 Thông báo số 243/TB-BCNĐLS), còn đối với tỉnh Đoàn Luật sư Đồng Nai thì phí đăng ký tập sự hành nghề là 2.400.000 đồng/người

2.3. Phí gia nhập Đoàn luật sư

Tương tự như phí tập sự hành nghê luật sư, tùy thuộc vào thời điểm và từng quy định của Đoàn Luật sư sẽ có mức phí gia nhập khác nhau, ví dụ mức phí gia nhập của Đoàn Luật sư 3 tỉnh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai:

- Mức phí gia nhập Đoàn Luật sư Hà Nội là 10.000.000 đồng/người (chưa bao gồm phí xây dựng Đoàn) theo Điều 2 Thông báo số 243/TB-BCNĐLS;

- Mức phí gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh là 5.000.000 đồng/ người theo Điều 3 Nghị quyết 01/2016/NQ-HNĐBLS; trường hợp đã từng đăng ký tập sự Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh thì được giảm 2.000.000 đồng.

- Mức phí gia nhập Đoàn Luật sư Đồng Nai là:

+ 5.000.000 đồng/người đối với trường hợp đã tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai.

+ 8.000.000 đồng/người đối với các trường hợp còn lại.

Pháp luật vẫn giới hạn cho sự khác nhau trên, căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ thì mức phí gia nhập Đoàn luật sư cao nhất không quá 10.000.000 đồng/người.

2.4. Phí duy trì thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư

Như đã đề cập ở mục II.1 việc gia nhập Đoàn luật sư là một điều kiện tất yếu, tuy nhiên nó không phải là “miễn phí”. Một luật sư khi hành nghề phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và thành viên của một Đoàn luật sư bất kỳ. Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ:

- Mức phí thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 100.000 đồng/người/tháng;

- Mức phí thành viên của Đoàn Luật sư là 150.000 đồng/người/tháng.

2.5. Phí xây dựng Đoàn Luật sư

Khi gia nhập Đoàn Luật sư, Luật sư không chỉ đóng phí gia nhập mà còn phải chịu khoản phí xây dựng đoàn. Mức phí này không được quy định chung trong văn bản “luật chung” mà tùy tình hình từng Đoàn luật sư quy định riêng.

Hiện, theo Thông báo: 243/TB-BCNĐLS thì Quỹ xây dựng Đoàn của Đoàn Luật sư Hà Nội là: 2.500.000 đồng.

3. Thời hạn và phương thức đóng phí duy trì Thành viên

Căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 05/NQ-HĐLSTQ

- Thời hạn đóng phí: Luật sư đóng phí 06 tháng/lần, chậm nhất là ngày cuối cùng của kì đóng phí (30/06 dương lịch và 31/12 dương lịch)

- Phương thức đóng:

+ Liên đoàn luật sư Việt Nam: chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông báo hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc Cơ quan đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TPHCM.

+ Đoàn luật sư: nộp trực tiếp tại Văn phòng Đoàn Luật sư hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của Đoàn Luật sư do Đoàn Luật sư thông báo.

Tóm lại, từ giai đoạn tập sự hành nghề đến lúc hành nghề luật sư, người theo nghề luật sư phải chịu rất nhiều các khoản phí khác nhau, đó là chưa kể đến các chi phí cho việc tự học và chi phí hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư. Xét thực tế, các chi phí này đã tạo một gánh nặng khá đáng kể cho một nghề nghiệp cần nhiều thời gian và kinh nghiệm mới đứng vững trong xã hội, và cũng có nhiều ý kiến nghi hoặc và thắc mắc về tính hợp lý của các mức phí, cách quản lý, thu và chi các khoản phí này, chưa kể các quy định về giám sát, thanh kiểm tra các khoản tiền này đã thống nhất, rõ ràng, cụ thể và công khai chưa?

Tất nhiên, với tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp và ý thức tạo sự đoàn kết trong nội bộ Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên đã luôn thôi thúc các Luật sư tuân thủ quy định của tổ chức mình. Tinh thần là như thế nhưng về mặt chiến lược, chúng ta vẫn rất cần nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, phù hợp và thực tế nhằm xây dựng các quy định về quản lý, sử dụng các chi phí này được hợp lý, công khai và minh bạch, điều đó cũng thể hiện được vị trí và vai trò của nghề luật sư, thượng tôn pháp luật và luôn được xã hội tin cậy.

Trên đây là nội dung chia sẻ của HT Legal VN về các phí cơ bản luật sư phải đóng khi hành nghề chuyên nghiệp (thông tin được cập nhật tại thời điểm chúng tôi tìm hiểu và có thể thay đổi tùy điều kiện, hoàn cảnh lúc bạn đọc tìm hiểu sau này).

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com         Hotline: 09 6161 4040 - 09 0161 4040

Thiện Trung
Theo HT LEGAL VN

Cùng chuyên mục