[HỎI ĐÁP] Để lại Nhà, Đất bằng Di chúc viết tay được không?

29/12/2020 - 1996 lượt xem

Hỏi: Ba tôi mất năm 2018 có di chúc viết tay giao căn nhà của ba cho tôi làm nơi thờ cúng ông bà tổ tiên.  Giờ tôi cầm giấy di chúc của ba tôi đi làm giấy tờ nhà được không?

Đáp:

Để bạn nhận được tài sản mà ba bạn để lại thì cần xét các điều kiện sau:

1. Hình thức Di chúc đúng quy định

Theo quy định tại Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng và Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Tại Khoản 1, Điều 630 BLDS 2015 thì Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Khoản 4 Điều 630 BLDS 2015 quy định di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo thông tin chúng tôi được bạn cung cấp thì chưa được rõ về di chúc ba bạn để lại có người làm chứng hay không. Nên chúng tôi sẽ giả định trong hai trường hợp:

(1) Di chúc không có người làm chứng thì ngoài việc tuân thủ quy định Khoản 1, Khoản 4, Điều 630 BLDS 2015 nêu trên thì còn phải tuân thủ quy định Điều 631, Điều 633 BLDS 2015.

Điều 631. Nội dung của di chúc

1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Điều 633. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.

(2) Nếu Di chúc có hai người làm chứng thì phải tuân thủ theo Điều 634, BLDS 2015

Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.

Điều 631. Nội dung của di chúc

1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Nội dung Di chúc

Tài sản để lại phải là tài sản được sở hữu một cách hợp pháp; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Đối với mục đích lập di chúc để lại tài sản dùng vào việc thờ cúng phải tuân thủ theo Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015.

Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Như vậy, di chúc của ba bạn để lại đúng theo các quy định nêu trên thì bạn có thể đến Tổ chức hành nghề công chứng nơi có bất động sản để làm thủ tục kê khai nhận di sản, sau đó bạn hoàn tất thủ tục đăng ký biến động tại một cửa với tư cách là người đại diện đứng tên trên GCN.

Trên đây là nội dung giải đáp của chúng tôi trong phạm vi thông tin bạn cung cấp.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

HT LEGAL VN