Điều kiện hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú

02/09/2021 - 3747 lượt xem

Điều kiện hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú

Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư 2020 sau khi thành lập doanh nghiệp mà doanh nghiệp muốn hoạt động đối với ngành nghề đó thì phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật.

Một trong những ngành nghề có điều kiện kinh doanh tại Phụ lục IV Luật đầu tư 2020 là kinh doanh dịch vụ lưu trú

Trong phạm vị bài viết này HT Legal xin gửi đến quý bạn đọc các điều kiện phải đáp ứng trước khi đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động đối với ngành nghề có điều kiện nêu trên.

- Cở sở pháp lý:

+ Luật đầu tư 2020;

+ Luật doanh nghiệp 2020;

+ Luật Du lịch 2017;

+ Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 sửa đổi bổ sung 2013;

+ Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

+ Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 quy định chi tiết một số điều của luật du lịch;

+ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy;

+ Thông tư 149/2020/TT-BCA  ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy.

- Nội dung:

Theo hệ thống ngành kinh tế Việt nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)  Bảng chuyển đổi Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam VSIC 2018 - VSIC 2007 thì mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú được thể hiện trong bảng dưới đây:

I

 

 

 

 

DỊCH VỤ LƯU TRÚ VÀ ĂN UỐNG

 

55

 

 

 

Dịch vụ lưu trú

 

 

551

5510

 

Dịch vụ lưu trú ngắn ngày

 

 

 

 

55101

Khách sạn

 

 

 

 

55102

Biệt thự hoặc căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày

 

 

 

 

55103

Nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày

 

 

 

 

55104

Nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú ngắn ngày tương tự

 

 

559

5590

 

Cơ sở lưu trú khác

 

 

 

 

55901

Ký túc xá học sinh, sinh viên

 

 

 

 

55902

Chỗ nghỉ trọ trên xe lưu động, lều quán, trại dùng để nghỉ tạm

 

 

 

 

55909

Cơ sở lưu trú khác chưa được phân vào đâu

Sau khi thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp có một trong các ngành nghề kinh doanh theo danh mục ngành nghề nêu trên thì các điều kiện cơ bản mà cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú phải đáp ứng trước khi đưa vào hoạt động chủ yếu gồm có:

(1) An ninh trật tự;

(2) Phòng cháy chữa cháy;

(3) Riêng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch thì còn phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch

Còn về điều kiện bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm thì những cơ sở nào cung cấp cả dịch vụ ăn uống thì phải đáp ứng điều kiện này và chịu quản lý ở mức độ cao hơn so với các chủ thể bình thường. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ tập trung giải đáp 03 điều kiện chính nêu trên.

1. Điều kiện về an ninh, trật tự

Căn cứ Khoản 22 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có:

“Kinh doanh dịch vụ lưu trú, gồm: Các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch.”

Theo Điều 25 quy định về trách nhiệm chung áp dụng đối với các ngành, nghề và Điều 44 về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP một trong những trách nhiệm mà doanh nghiệp phải thực hiện đó là:

“Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:

a) Danh sách những người làm việc trong cơ sở kinh doanh;

b) Bản khai lý lịch, Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

c) Các tài liệu chứng minh cơ sở kinh doanh đảm bảo đủ các điều kiện đối với từng loại ngành, nghề quy định tại các Điều 8, 11 và Điều 12 Nghị định này;

d) Thống kê phương tiện phục vụ cho công tác bảo vệ (nếu có);

đ) Sơ đồ khu vực kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh công cụ hỗ trợ; kinh doanh súng bắn sơn; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh dịch vụ lưu trú; kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; kinh doanh dịch vụ xoa bóp; kinh doanh dịch vụ cầm đồ.”

- Bên cạnh đó khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra thì một trong những văn bản mà cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú phải xuất trình đó là: “Các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý; nội dung kinh doanh ghi trong Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động” (Điểm a Khoản 2 Điều 50 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

Vì vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Lưu ý: Ngoài Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Một số tài liệu khác cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú phải có trong phạm vi đảm bảo an ninh, trật tự:

+ Sơ đồ khu vực kinh doanh;

+ Nội quy quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy

+ Sổ quản lý khách lưu trú

+ Danh sách những người làm việc trong cơ sở kinh doanh

+ Phương án bảo đảm an ninh, trật tự bào gồm nội dung (Xác định khu vực, địa bàn, mục tiêu cụ thể cần phải tăng cường để bảo đảm an ninh, trật tự; Biện pháp thực hiện; Lực lượng phục vụ thường xuyên; Phương tiện phục vụ; Biện pháp tổ chức, chỉ đạo; Biện pháp phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương mà cơ sở kinh doanh hoạt động; Tình huống giả định khi có vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra; công tác huy động lực lượng, phương tiện; biện pháp xử lý).

2. Điều kiện về phòng cháy chữa cháy

Theo đó Khoản 3 Điều 19 Nghị định 96/2016NĐ-CP quy định về Hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung đối với các ngành, nghề phải có Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hoặc Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh lưu trú thuộc Phụ lục I (danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy); Phụ lục II (danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ) và Phụ lục III (danh mục cơ sở do cơ quan công an quản lý); Phụ lục IV (Danh mục cơ sở do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý); Phụ lục V (Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy) của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy, cụ thể:

- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch (Phụ lục I)

- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000 m3 trở lên (Phụ lục II);

- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên (Phụ lục III);

- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3 (Phụ lục IV);

- Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên (Phụ lục V)

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP: Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Trường hợp trong cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm quản lý và duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy chung của cơ sở.

Cụ thể:

“1. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

b) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;

c) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

đ) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

e) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.

2. Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại các điểm a, c và điểm d khoản 1 Điều này; trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định này phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;

b) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

c) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

3. Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở đã bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, trong phạm vi quản lý của mình phải thực hiện các nội dung sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;

c) Cử người tham gia đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;

d) Phối hợp với người đứng đầu cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình.”

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Hồ sơ quản lý quy định tại Điều 4 Thông tư 149/2020/TT-BCA  ngày 31/12/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy, gồm có:

“1. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP do người đứng đầu cơ sở lập, lưu giữ, gồm:

a) Nội quy, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy và chữa cháy; quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở (nếu có);

b) Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có); văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;

c) Bản sao bản vẽ tổng mặt bằng thể hiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí công năng của các hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

d) Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành (nếu có);

đ) Quyết định cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc bản sao chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp;

e) Phương án chữa cháy của cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy;

g) Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; tài liệu ghi nhận kết quả tự kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ sở; báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng của người đứng đầu cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; báo cáo khi có thay đổi về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy (nếu có); văn bản kiến nghị về công tác phòng cháy và chữa cháy, biên bản vi phạm, quyết định xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ hoạt động, quyết định phục hồi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

h) Báo cáo vụ cháy, nổ (nếu có); thông báo kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

i) Tài liệu ghi nhận kết quả kiểm tra điện trở nối đất chống sét, kiểm định hệ thống, thiết bị, đường ống chịu áp lực theo quy định (nếu có);

k) Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (nếu có);

l) Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

2. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP gồm các nội dung quy định tại điểm a, đ, e, g, h và điểm k khoản 1 Điều này.”

3. Về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch

Căn cứ Khoản 5 Điều 9 Luật du lịch 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch: “Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 49 Luật du lịch 2017 thì một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bắt buộc cơ sơ kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Cụ thể các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch được quy định tại Điều 22, 23, 24, 25, 26  Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 quy định chi tiết một số điều của luật du lịch như sau:

* Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn

- Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.

- Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.

- Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.

- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

* Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với biệt thự du lịch

- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

- Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.

* Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch

- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.

* Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với tàu thủy lưu trú du lịch

- Có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ (cabin), phòng tắm, phòng vệ sinh, bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống.

- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

* Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà nghỉ du lịch

- Có khu vực đón tiếp khách và phòng ngủ; có phòng tắm, phòng vệ sinh

- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

* Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê

- Có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh

- Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

Trên đây là nội dung trao đổi của chúng tôi về Điều kiện hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú gửi đến quý bạn đọc. trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật HT Legal VN là chuyên gia trong lĩnh vực "tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp"

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ "tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp" xin hãy liên hệ với chúng tôi

Website : www.htlegalvn.com

Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 097117.4040