Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Tình huống:
B mua giống cây từ A, được B cam kết là loại thanh long ruột đỏ, vỏ đỏ. Sau đó B bán cho tôi cùng cam kết. Sau đó tôi bán cho các hộ nông dân khác để trồng. Đến khi thành phẩm thì phát hiện là thanh long ruột trắng, vỏ đỏ. Việc khác chủng loại đã gây ra tổn thất về mặt kinh tế do giữa hai loại thanh long này khác nhau về thị hiếu cũng như giá thành. Giữa tôi và các hộ nông dân đã thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại và tôi có mời B chứng kiến sự việc này. Nhưng do tôi dựa trên sự cam kết của B nên mới cam kết với các hộ nông dân, từ đó mới gây nên tổn thất. Tôi có trao đổi với B và yêu cầu được bồi thường lại thiệt hại, nhưng B cho rằng B cũng chỉ là người mua lại giống cây này từ A, vì vậy B không có lỗi và bảo tôi yêu cầu bồi thường từ A. Vậy, nhờ các Luật sư tư vấn giúp tôi, tôi nên kiện đòi bồi thường từ B hay A, và phải căn cứ vào đâu để kiện đòi A hoặc B. Cảm ơn các luật sư./.
Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho HT Legal VN, dựa vào các dữ liệu mà bạn cung cấp, chúng tôi đưa ra các giải đáp sau:
Để xác định bạn nên kiện đòi bồi thường thiệt hại từ A hay B, thì chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa bạn và A, B như sau:
- Quan hệ giữa bạn và B:
Bạn đã trực tiếp mua của B loại cây giống với sự cam kết của B. Trong đó, B là người trực tiếp bán cho bạn và bạn là người trực tiếp thanh toán cho B. Có thể hiểu, giữa bạn và B có sự ràng buộc với nhau bằng hợp đồng mua bán.
Mặt khác, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm hợp đồng). Trong trường hợp của bạn, đối tượng trong hợp đồng giữa bạn và B là loại cây giống thanh long ruột đỏ, vỏ đỏ. Nhưng sản phẩm bạn được giao lại thuộc chủng loại khác (thanh long ruột trắng, vỏ đỏ), vậy B đã vi phạm hợp đồng khi giao tài sản không đúng chủng loại, từ đó bạn có các quyền sau đây theo Điều 439 BLDS 2015 quy định về quyền của bên mua khi không được giao tài sản không đúng chủng loại:
“1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận;
2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.”
Ngoài ra, Điều 419 BLDS 2015 quy định về Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng:
“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”
Trong đó Điều 13 BLDS 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại:
“Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”;
Điều 360 BLDS 2015 quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ:
“ Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Vậy, bạn hoàn toàn có quyền kiện đòi B bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vì B đã vi phạm hợp đồng được thỏa thuận giữa hai bên trước đó.
- Quan hệ giữa bạn và A:
Trong trường hợp trên, B cho rằng không phải bồi thường cho bạn mà người phải bồi thường cho bạn phải là A.
Về ý thứ nhất, chúng ta đã bình luận ở trên và có cơ sở để buộc B phải bồi thường.
Về ý thứ hai, (A phải bồi thường thiệt hại). Tuy, giữa bạn và A không tồn tại hợp đồng mua bán, bởi việc mua bán giữa A và B là độc lập, nhưng bạn có thể yêu cầu A bồi thường theo chế định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng căn cứ tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Và việc bồi thường thiệt hại được dựa trên nguyên tắc “Bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Theo Khoản 1, Điều 585 BLDS 2015.
Vậy có thể thấy, trong trường hợp B không có khả năng thanh toán hoặc vì một lý do nào khác, bạn có thể kiện A - khả năng được bồi thường sẽ cao hơn.
Tuy nhiên để kiện đòi A bồi thường thiệt hại, bạn cần phải chứng minh đã hội đủ những điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bao gồm: (1) Có hành vi gây thiệt hại (2) Có thiệt hại trên thực tế; (3) Thiệt hại này phát sinh từ lỗi của A; (4) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại thực tế.
Trên đây là toàn bộ ý kiến, quan điểm của chúng tôi dựa trên các thông tin mà bạn cung cấp.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN - Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040